Sau bão muộn, cẩn thận với bệnh sốt xuất huyết

Ba bé M. cho bác sĩ biết là cháu bị sốt cao liên tục 5 ngày, uống thuốc không giảm, đến sáng cháu hết sốt nhưng đau bụng, rồi ói nhiều nên gia đình đã đưa vào bệnh viện. Sau khi thăm khám và làm xét nghiệm kết luận cháu bị sốt xuất huyết Dengue nặng, phải cấp cứu tích cực. Sau một ngày điều trị tình trạng cháu đã tốt hơn, cháu đã đi tiểu được nhiều và hết đau bụng.

bé M đang điều trị tại BV Tiền GiangBé M. đang điều trị tại BV Tiền Giang

Thông thường, sau mùa mưa thì bệnh sốt xuất huyết có xu hướng giảm nhiều, tuy nhiên nhiều người dân vẫn chủ quan, thời gian gần đây, nhất là sau những cơn bão muộn sẽ nhiều bệnh dịch phát sinh như nhiễm khuẩn đường ruột, viêm hô hấp, bệnh ngoài da...trong đó có bệnh sốt xuất huyết. Có hai lý do làm bệnh sốt xuất huyết gia tăng, thứ nhất là sau bão có mưa nhiều, muỗi vằn sẽ có cơ hội đẻ trứng và phát triển, thứ hai là dù nhiệt độ có giảm, nhưng ở Nam Bộ thường nhiệt độ trên 20 độ C, là nhiệt độ lý tưởng muỗi phát triển (lý tưởng muỗi phát triển từ 20 đến 25 độ C), khi nhiệt độ dưới 16 độ C thì muỗi vằn mới ngưng hoạt động và ngưng đẻ trứng. Ở Tiền Giang, tính đến cuối tháng 12 năm 2017 toàn tỉnh có 3 071 ca mắc bệnh, nhiều hơn cùng kỳ năm ngoái 35%, trong đó có 64 ca nặng, 3 ca tử vong. Tập trung ở huyện Cái Bè, Châu Thành và Thành phố Mỹ Tho, các huyện Tân Phú Đông, Tân Phước và thị xã Gò Công số ca mắc ít hơn.

Để chủ động phòng bệnh sốt xuất huyết, người dân cần khản trương đậy kín, cọ rửa hoặc thay nước các chum, lu, vại…chứa nước, không để cho muỗi có nơi đẻ trứng. Tiêu diệt lăng quăng bằng cách thả cá vào tất cả các vật chứa nước. Cần thu gom đồ phế thải quanh nhà như ve chai, lọ vỡ, võ xe…lật úp các vật thải chứa nước. Làm giảm mật độ muỗi trong cộng đồng bằng cách phun hóa chất diệt muỗi. Tiêu diệt nơi sinh sản của muỗi, lăng quăng. Khi đi ngủ, kể cả ban ngày phải mắc màn. Sử dụng bình xịt diệt muỗi, đốt nhang muỗi, bôi kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi. Nên mặc quần áo dài tay để tránh muỗi đốt.

Bệnh sốt xuất huyết gây ra do muỗi vằn truyền vi rút sốt xuất huyết sang người lành. Muỗi vằn cái hoạt động suốt ngày, nhưng thường hoạt động tích cực vào sáng sớm và chiều tối, khi không khí vừa mát mẻ vừa ấm áp, độ ẩm thích hợp và chỉ đậu nghỉ khi đã no máu hoặc vào ban đêm. Muỗi rất thích hơi người, nên thường đậu trên quần áo đã mặc rồi có mùi mồ hôi. Sau khi bị muỗi vằn đốt từ 3 - 6 ngày, có thể kéo dài đến 15 ngày thì xuất hiện triệu chứng bệnh sốt xuất huyết. Nếu người bệnh đã ít nhất một lần nhiễm vi rút sốt xuất huyết trước đó hoặc do mẹ truyền kháng thể cho con lúc mang thai thì sẽ mắc bệnh sốt xuất huyết dengue. Khi đó vi rút dengue xâm nhập lần sau sẽ kết hợp với kháng thể có sẵn tạo thành phức hợp kháng nguyên kháng thể, được gọi là phức hợp miễn dịch. Phức hợp này sẽ hoạt hóa bổ thể, một trong những hệ thống bảo vệ của cơ thể, dẫn đến hậu quả là làm tăng tính thấm thành mạch gây ra tình trạng thất thoát huyết tương, giảm thể tích máu, sau đó là hạ huyết áp dẫn đến sốc giảm thể tích. Ngoài ra phản ứng miễn dịch còn phá hủy hệ thống cầm máu, do giải phóng các yếu tố đông máu, tổn thương tế bào gan, tổn thương thành mạch và giảm tiểu cầu gây ra xuất huyết, nếu không điều trị kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

BS NGUYỄN THÀNH ÚC

Chăm sóc bảo vệ trẻ khi trời rét

Đặc biệt là viêm phổi hay gặp ở trẻ sơ sinh, nếu không điều trị kịp thời bệnh sẽ nặng thêm đe dọa tính mạng. Nguyên nhân do trời rét đậm và cha mẹ bé chưa quan tâm đúng mức trong việc chăm sóc bé trong mùa lạnh. Một số biện pháp sau đây cần thiết để bảo vệ trẻ khi trời rét.

can-giu-am-cho-tre-mua-dongPhải giữ ấm cho trẻ trong mùa rét.

Giữ ấm cho trẻ

Trong những ngày đầu đời ở bé sơ sinh, bé chưa có khả năng tự điều hòa thân nhiệt nên thường dễ bị nóng quá hay lạnh quá. Ở những ngày rét đậm, bé cần phải mặc thêm áo dài, áo liền quần, áo ấm hay áo len bên ngoài áo lót, mang tất, đội nón len cho bé. Đối với áo liền quần, đây là áo liền quần thích hợp cho các bé sơ sinh, dễ mặc, dễ cởi; giúp bé ấm áp vì che kín toàn thân, kể cả bàn chân do đó bạn không cần phải mang tất cho bé. Nếu không giữ ấm cho trẻ khi ngủ, thì trẻ có thể bị bệnh đường hô hấp do nhiễm lạnh. Tránh đưa bé ra gió nhiều hay ngoài trời đang rét đậm, không nên giữ ấm quá mức cần thiết, sẽ gây trẻ bị nóng và rịn mồ hôi. Nếu có ra mồ hôi, nên lau khô, và điều chỉnh lại việc mặc áo cho trẻ, lý do mồ hôi sẽ bị ngấm ngược lại cơ thể, khiến bé bị lạnh và có thể gây viêm phổi.

Đối với trẻ lớn hơn, ngoài việc mặc áo ấm, cần lưu ý khi trẻ hoạt động nhiều, có ra mồ hôi nhiều thì phải dặn dò bé lau khô người trước khi tắm nước ấm.

Tắm phải đúng cách

Tắm trong phòng kín gió, bật máy sưởi lên cho ấm phòng trước khi cho bé tắm. Hoặc mở vòi nước nóng để hơi nóng lan tỏa khắp phòng rồi hãy tắm cho bé. Cần lau rửa, tắm nhanh cho trẻ bằng nước ấm và ủ ấm ngay sau khi tắm để phòng nhiễm lạnh. Đối với trẻ đang ốm, cũng nên áp dụng cách này khi trời rét, vì không tắm cũng góp phần làm bệnh trở nặng hơn

Trẻ đi học nhớ mang khẩu trang

Trẻ đi học, phải ra đường trong trời rét, rất dễ cảm lạnh nếu không bảo vệ vùng mũi họng. Nhớ cho trẻ đeo khẩu trang bảo vệ mũi miệng, khăn cổ khi đi đường, dặn trẻ khi chơi ở sân trường nên tránh gió lùa, hay hoạt động nhiều gây ra mồ hôi.

Ăn uống đủ chất

Việc ăn uống đủ chất rất cần thiết cho trẻ, vì giúp trẻ tăng sức đề kháng chống lại các bệnh về đường hô hấp trong mùa đông. Ăn uống nên là thức ăn hay nước uống ấm, dễ ăn, dễ tiêu. Khi ăn thức ăn nóng quá, trẻ có thể ra mồ hôi, cần lau khô cho trẻ. Không nên cho trẻ uống nước lạnh hay nước đá, dễ gây viêm họng.

Chơi và ngủ

Khi trẻ ngủ, nhớ mặc ấm, phòng ngủ thông thoáng không có gió lùa. Khi trẻ chơi cũng vậy, không chơi ở ban công hay sân thượng, ngoài sân, nên chơi trong phòng.

Đưa trẻ đến bệnh viện khám khi có dấu hiệu

- Trẻ từ 1 tuần đến 2 tháng: trẻ bỏ bú, hay bú kém, thở nhanh, rút lõm lồng ngực, cánh mũi phập phồng, thở rên, ngủ li bì, thóp phồng, chảy mủ tai, sốt, nhiều mụn ở da, cử động ít hơn bình thường.

- Trẻ từ 2 tháng đến 5 tuổi: trẻ có sốt hay sốt cao, mệt mỏi, đau họng, sổ mũi, nghẹt mũi, hắt hơi, ho, thở nhanh, chảy nước ở lỗ tai, không ăn uống được.

- Không nên tự trị bệnh cho trẻ ở nhà. Không nên tự động cho trẻ uống thuốc, vì có thể bạn sẽ cho trẻ uống thuốc dành cho người lớn hoặc với liều lượng như của người lớn, như thế sẽ gây ngộ độc thuốc nguy hiểm cho trẻ. Ngoài ra nếu chữa không đúng, bệnh trẻ trở nặng hơn, khi vào bệnh viện sẽ khó điều trị.

BS Mạnh Hà

Mất ngủ gây trầm cảm, suy nhược thần kinh

Suy nhược thần kinh là bệnh tâm căn phổ biến hiện nay mà nhiều người gọi nó là bệnh thời đại. Chứng bệnh này liên quan chặt chẽ đến trạng thái trầm cảm và rối loạn lo âu. Bệnh gặp ở thành thị nhiều hơn ở nông thôn, nam chiếm nhiều hơn nữ, tuổi thường gặp 20-50 tuổi.

Để nhận biết bệnh suy nhược thần kinh, BSCKII. Vũ Thị Lừu - Tiêu hóa - Bệnh viện E cho biết: `Các dấu hiệu của suy nhược thần kinh bao gồm:

- Mệt mỏi: Đây là dấu hiệu thường gặp nhất. Có thể do vận động thể lực quá độ, lao động thể lực quá nặng nề dẫn đến mệt mỏi. Mệt mỏi bình thường chỉ cần nghỉ ngơi là có thể hồi phục nhưng mệt mỏi do suy nhược thần kinh thì dường như không có nguyên nhân, nghỉ ngơi bồi dưỡng thế nào cũng không thể phục hồi được thể lực. Đi kèm với mệt mỏi là trạng thái tinh thần bực bội khó chịu, không yên, nằm trên giường cứ suy nghĩ tạp loạn, khó đi vào giấc ngủ.

Mất ngủ khiến cơ thể mệt mỏi.

- Mất ngủ cũng là một trong những triệu chứng chủ yếu của suy nhược thần kinh. Có một số người ngủ ít, nhưng ban ngày họ vẫn có thể tràn trề tinh thần làm việc, học tập, đầu óc rất sáng suốt, tình cảm rất bình ổn, rất ít bực bội, tức giận. Còn mất ngủ do suy nhược thần kinh thì thời gian ngủ ban đêm không nhiều và ban ngày họ thường mệt mỏi, ngủ gật. Ngồi muốn ngủ, nhưng nằm xuống lại không ngủ được và dùng thuốc an thần không có kết quả hoặc kết quả không đáng kể.

- Đau mỏi toàn thân, đau không có điểm đau cố định

- Rối loạn cảm giác ví dụ như buồn nôn, lợm giọng…`

BSCKII. Vũ Thị Lừu

Đề phòng chứng mề đay do giá rét

Khi bị dị ứng với nhiệt độ lạnh, bạn sẽ bị nổi mề đay hoặc phát ban lạnh. Bệnh có thể gây phản ứng nghiêm trọng dẫn đến ngất, sốc và tử vong. Mùa đông, nhất là những ngày giá rét, những người bị dầm mưa, dầm nước… có nguy cơ mắc bệnh cao.

Ai dễ bị nổi mề đay do lạnh?

Nguyên nhân gây ra mề đay do lạnh rất phức tạp: một số người có cơ địa dị ứng với nhiệt độ lạnh; do di truyền: bố, mẹ mắc bệnh mề đay thì con cái dễ mắc bệnh; do nhiễm virut và một số bệnh lý khác. Trong đó, nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do yếu tố cơ địa, tức là cơ thể dễ nhạy cảm với các yếu tố kích thích như lạnh ẩm đột ngột. Một số loại thức ăn, phấn hoa, vi khuẩn, vi nấm, giun sán; do dùng một số loại thuốc Đông y hoặc Tây y. Mề đay nổi lên là do phản ứng quá mẫn giữa kháng thể có sẵn trong cơ thể khi gặp kháng nguyên lạ (dị nguyên). Khi bạn bị nhiễm lạnh sẽ kích thích cơ thể sản xuất ra nhiều histamin và các hóa chất của hệ thống miễn dịch khác vào da gây nổi mề đay, mẩn ngứa và nhiều triệu chứng dị ứng khác.

Tình trạng nổi mề đay do lạnh có thể xảy ra ở bất kỳ ai, tuy nhiên, có các đối tượng dễ mắc bệnh hơn, đó là: trẻ em, thanh thiếu niên. Bệnh cũng hay tái phát ở những người này. Ngoài ra, những người mắc các bệnh như nhiễm virut, mycoplasma, viêm phổi… cũng dễ bị nổi mề đay khi nhiễm lạnh.

me-day-do-gia-ret

Biểu hiện chứng mề đay do lạnh ở cánh tay

Người mẫn cảm với lạnh có thể nổi mề đay ở vùng da tiếp xúc với lạnh hoặc khắp thân mình. Nếu bị ngâm nhúng một phần chân tay trong nước lạnh có thể gây ra các triệu chứng toàn thân nặng hoặc bị sốc.

Triệu chứng nổi bật

Triệu chứng nổi mề đay bắt đầu ngay sau khi da tiếp xúc đột ngột nhiệt độ không khí hoặc nước lạnh. Đặc trưng của bệnh là các mảng sẩn đỏ trên da, đường kính từ vài mm đến vài cm hoặc bị sẩn cả mảng rất to. Ngứa là triệu chứng điển hình nhất của bệnh: ngứa rất dữ dội, càng gãi càng ngứa, có khi bệnh nhân gãi đến chảy cả máu vẫn không đỡ ngứa. Da của bệnh nhân thường bị sẩn, phù, xuất hiện rất nhanh ở bất kỳ vùng da nào. Kích thước và hình dáng của các mảng sẩn thay đổi nhanh chóng, khi lặn đi thường không để lại dấu vết gì. Các triệu chứng mề đay lạnh thường nặng hơn trong thời gian tái làm ấm da tiếp xúc. Đa số các phản ứng nổi mề đay lạnh xảy ra khi da tiếp xúc với nhiệt độ lạnh, từ 4 - 10oC, nhưng cũng có một số người nổi mề đay với nhiệt độ ấm hơn. Điều kiện lạnh ẩm và gió có thể làm tăng nguy cơ nổi mề đay.

Triệu chứng ngứa phát ban (wheals) trên diện tích da tiếp xúc với lạnh, thường kéo dài khoảng nửa giờ. Sưng tay khi đang cầm nắm các vật lạnh. Sưng môi khi ăn thức ăn lạnh. Sưng lưỡi và họng, có thể gây khó thở do phù nề hầu họng hay đường hô hấp. Bệnh nhân có thể bị bất tỉnh; nhịp tim nhanh; sưng chân tay hoặc thân mình; đau quặn bụng, nôn, tiêu chảy; phù não; khó thở cấp tính rất nguy hiểm đến tính mạng.

Phương pháp điều trị

Điều trị mề đay do lạnh gồm: tránh phơi nhiễm với nhiệt độ. Dùng thuốc ngăn ngừa và giảm bớt triệu chứng: thuốc kháng histamin giúp giảm ngứa và nổi mề đay như loratadine, fexofenadine, cetirizine… Nếu mề đay do lạnh vì một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn thì cần dùng thuốc điều trị bệnh nền đó như: cảm cúm, nhiễm virut, mycoplasma, viêm phổi…

Lời khuyên của bác sĩ

Mề đay do lạnh đôi khi rất nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân, vì vậy, mọi người cần chú ý phòng tránh. Nếu bạn chưa bị nổi mề đay do lạnh, bạn nên thử xem mình có bị mẫn cảm với nhiệt độ lạnh hay không. Bạn dùng một viên nước đá áp vào da cẳng tay trong 4-5 phút rồi bỏ ra, quan sát vùng da đó trong 10 phút. Kết quả: khi da ấm trở lại, nếu có một vòng mề đay xuất hiện kèm theo ngứa là bạn thuộc người có cơ địa dễ dị ứng với lạnh. Bạn cần tránh nhiễm lạnh, không ngâm tay chân trong nước lạnh, không lội qua sông, qua suối khi trời lạnh vì có thể nguy hiểm đến tính mạng. Không có cách nào để tránh bị nổi mề đay do lạnh ở lần đầu tiên, nhưng có thể giúp ngăn ngừa bằng cách tránh tiếp xúc với nhiệt độ lạnh, đặc biệt là để vùng da hở tiếp xúc với lạnh.

Mọi người đều có thể bị nổi mề đay do lạnh, không phân biệt lứa tuổi, giới tính, vùng, miền. Vì vậy, ai cũng cần đề phòng mắc bệnh, nhất là trong mùa đông giá rét. Việc ăn, uống cũng góp phần quan trọng trong việc phòng bệnh mề đay tái phát. Người bị bệnh mề đay nên kiêng các loại thức ăn dễ gây bệnh như tôm, cua, ốc, lạc, dứa… Không nên uống rượu, bia bởi các thức uống này là các yếu tố thuận lợi cho bệnh mề đay xuất hiện hoặc tái phát. Tránh để lạnh xảy ra đột ngột, khi thay đổi thời tiết từ nóng sang lạnh, cần mặc đủ ấm, nhất là khi ra khỏi nhà và không nên nằm ngủ trong phòng có gió lùa lạnh. Giữ vệ sinh răng miệng, đường hô hấp trên miệng, mũi, hầu họng để tránh mắc các bệnh do vi khuẩn, virut. Hàng ngày, nên đánh răng sau bữa ăn và sau khi ngủ dậy; súc miệng bằng nước muối sinh lý. Khi bị nổi mề đay, bạn cần hạn chế gãi để tránh gây xây xát, chảy máu tránh bội nhiễm da, mưng mủ dễ gây biến chứng nặng.

ThS. Phạm Phú Vinh

Mùa lạnh đề phòng giảm thân nhiệt

Độ lạnhmùa đông có thể gây ra một số bệnh cho con người trong đó có sự giảm thân nhiệt. Bình thường, cơ thể có những cơ chế để thích nghi với sự thay đổi nhiệt độ chung quanh. Tuy nhiên vì một lý do nào đó khiến thân nhiệt bị giảm gây ra một số nguy cơ. Vì vậy, khi thời tiết lạnh cần đề phòng giảm thân nhiệt để tránh tổn hại cho sức khỏe.

Mùa lạnh đề phòng giảm thân nhiệt 1

Mùa lạnh cần mặc ấm để phòng giảm thân nhiệt.

Những nguyên nhân

Có nhiều nguy cơ đưa tới giảm nhiệt độ như: nhà không được sưởi đủ nóng; ăn không đủ chất dinh dưỡng; uống nhiều rượu; có bệnh mạn tính về tim, gan, tuyến giáp trạng; đang mắc bệnh nhiễm khuẩn; do tác dụng của một số dược phẩm; ở ngoài lạnh quá lâu; mặc quần áo không đủ ấm; mới gặp tai nạn hay ngã xuống nước; người sống cô đơn, túng thiếu…

Biểu hiện và những nguy cơ

Giảm nhiệt có thể xẩy trong vòng một vài giờ, tùy theo số lượng hơi nóng mất đi nhiều ít. Khi cơ thể bị giảm nhiệt, người bệnh có biểu hiện mệt mỏi, lờ đờ, tâm thần rối loạn, nói ngượng nghịu, người lạnh giá, cơn run rẩy rùng mình, ngón chân ngón tay lợt lạt, cử động khó khăn, cơ thịt cứng nhắc, người lạnh toát.

Nếu giảm thân nhiệt nặng, nhịp tim và hơi thở lúc đầu nhanh sau đó chậm dần. Giảm nhiệt ảnh hưởng tới não bộ, nạn nhân kém nhận thức, hành động khó khăn với các hiểm nghèo và có thể rơi vào tình trạng hôn mê… có thể dẫn tới tử vong.Do vậy, giảm nhiệt cần được cấp cứu ngay tạicơ sở y tế gần nhất để được điều trị để tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Trong khi chờ đợi, đặt nạn nhân nằm nơi ấm áp, kín gió; sưởi ấm ngực, cổ, đầu và bẹn với chăn thường hoặc chăn điện. Chú ý không được nâng cao chân người bị nạn vì làm vậy sẽ dồn máu nhiều về phía trên người khiến chân bị băng lạnh nhiều hơn.

Phònggiảm thân nhiệt

Về mùa đông cần kiểm soát nhà bằng cách lấp kín các khe hở làm mất nhiệt mà hơi lạnh lùa vào. Cần đóng cửa sổ và các ô thoáng. Luôn giữ nhiệt độ trong nhà luôn đủ ấm. Nếu không có các thiết bị làm ấm cần mặc thêm áo ấm như áo len. Mặc quần áo nhiều lớp, không bó sát quá để máu lưu thông và thoáng khí. Không khí là lớp cách nhiệt rất tốt.

Khi ra ngoài lạnh, nên mặc quần áo đủ ấm: trong cùng là loại vải hút hơi ẩm như lụa, lớp giữa là loại áo len giữ nhiệt trong cơ thể; lớp ngoài vừa giữ nhiệt vừa chắn gió, ngăn nước. Ngoài ra, cần đội mũ, đi găng tay len, đeo khẩu trang (chemũi miệng để khỏi mất nhiệt qua hơi thở). Nếu quần áo, cơ thể bị ướt thì cần lau khô, thay quần áo ngay. Đồ ướt làm mất rất nhiều nhiệt của cơ thể.

Cần ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng. Mùa đông cần nhiều thực phẩm hơn để có nhiều nhiệt năng. Uống nước ấm, về mùa lạnh cũng như mùa nóng, cơ thể vẫn cần nước đầy đủ.

Bên cạnh đó, tránh uống nhiều rượu vì rượu làm giảm nhiệt độ cơ thể. Nhiều khi uống nhiều rượu cơ thể chỉ nóng lên một lúc ban đầu sau đó cơ thể bị giảm nhiệt làm người lạnh toát.

(Bác sĩ Nguyễn Ý Đức)

Vì sao trẻ hay bị tiêu chảy vào mùa đông?

Tại sao khi trời lạnh con tôi hay bị tiêu chảy? Có cách gì giải quyết dứt điểm tình trạng này không, thưa bác sĩ?

Trần Thu Liễu (Nam Định)

Tiêu chảy ở trẻ nhỏ khi mùa đông đến là bệnh khá phổ biến ở miền Bắc. Bệnh này thường do Rotavirus gây ra và thường chỉ kéo dài trong 3 - 7 ngày. Trẻ dưới 5 tuổi bị mắc nhiều hơn cả. Khi bị bệnh trẻ sẽ có các biểu hiện sốt nhẹ, quấy khóc, hơi mệt, nôn, tiêu chảy, đi ngoài nhiều lần, phân lỏng, màu vàng chanh hoặc trắng lẫn dịch nhầy, có khi như màu hoa cà, hoa cải. Do các triệu chứng tiêu chảy không xuất hiện đồng thời lại mất đi sớm, nên thường nhầm là trẻ sốt, quấy do mọc răng, hay bị cảm về đêm... vì thế rất nhiều trẻ chỉ được đưa đến bệnh viện khi ở giai đoạn nặng. Điều quan trọng nhất khi trẻ bị tiêu chảy mùa đông là phải bù điện giải cho trẻ, tốt nhất là bằng nước oresol pha theo đúng chỉ dẫn. Nếu có điều kiện dùng thêm các loại thuốc giúp ruột nhanh hồi phục như men vi sinh theo chỉ định của bác sĩ. Khi trẻ bị tiêu chảy, vẫn phải cho trẻ ăn uống bình thường, không kiêng khem, nhưng nên cho trẻ ăn các thức ăn dễ tiêu hóa và ăn nhiều bữa nhỏ. Tuyệt đối không được cho con uống thuốc kháng sinh, cũng không được cho trẻ dùng các thuốc cầm tiêu chảy... vì các thuốc này sẽ làm cho bệnh càng thêm kéo dài, thậm chí nặng hơn.

ThS. Lê Hưng

Những lưu ý khi cho trẻ đi chơi lễ trong mùa lạnh

Ở các tỉnh miền Trung và đặc biệt miền Bắc, đây là mùa bệnh hô hấp quan trọng trong năm do đã bước vào mùa lạnh. Ở những vùng này cần đặc biệt lưu ý đến một số bệnh như: cảm lạnh thông thường (do Rhinovirus), cúm, viêm tiểu phế quản (do virút hợp bào hô hấp). Đây là một loại bệnh viêm phế quản đặc biệt (do viêm các phế quản cở nhỏ có đường kính dưới 2mm), rất phổ biến và chỉ xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi. Bệnh này thường đạt đến đỉnh cao vào những tháng mùa lạnh. Bệnh có khả năng lây lan cao và là nguyên nhân hàng đầu khiến các bé dưới 2 tuổi phải nhập viện ở thời điểm này.

Các chuyên gia y tế cũng lưu ý các bậc cha mẹ, khi cho trẻ đi chơi Noel hoặc tết Tây, đặc biệt trong đêm Giáng sinh, các cháu có thể sẽ gặp một số điều bất lợi khiến cho các bé dễ mắc bệnh đường hô hấp. Chẳng hạn, nhiễm lạnh, ô nhiễm không khí (do khói xe, bụi bặm), tiếp xúc với đám đông (dễ lây nhiễm các bệnh hô hấp),…Vì vậy, nên tránh cho các bé nhỏ hơn 12 tháng tuổi đi chơi nơi đông người. Nên tránh cho các bé đi chơi bên ngoài khi trời quá nắng hoặc quá khuya. Không cho trẻ đi chơi quá lâu ngoài trời, nhất là khi trời nắng hay về đêm.

Khi đi cần cho các bé mặc đủ ấm (tùy nhiệt độ bên ngoài), có thể mang khẩu trang khi phải vào đám đông. Cần chú ý vệ sinh ăn uống và sinh hoạt, đặc biệt là rửa tay. Và khi đi chơi về cần chú ý nên rửa tay cẩn thận.

Tùy mức độ nhiễm lạnh và tùy tuổi của trẻ, có thể có các dấu hiệu như nhảy mũi, chảy nước mũi, ho, chảy nước mắt nhiều, nhức đầu, sốt, phát ban. Khi trẻ nhiễm lạnh phụ huynh có thể thực hiện một số giải pháp xử trí ban đầu là cần cho trẻ mặc đủ ấm. Quần áo phải khô ráo, không ẩm ướt. Trẻ nhỏ có thể mặc thêm áo ấm, đội mũ, mang găng, vớ, khăn choàng. Nên cho trẻ vào ngay chỗ kín gió, đủ ấm cho đến khi tình trạng trẻ cải thiện thì nên cho trẻ về nhà. Chú ý làm sạch mũi trẻ để trẻ dễ thở. Cho trẻ uống đủ nước. Phát hiện các dấu hiệu bệnh nặng để đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời.

BS. Trần Anh Tuấn, BV Nhi đồng TP Hồ Chí Minh cho biết, những dấu hiệu cho thấy cần đưa trẻ đến bệnh viện cấp cứu ngay: tím tái; bỏ bú hay bú ít hơn một nửa lượng sữa bình thường (trẻ nhỏ hơn 2 tháng), không uống được (trẻ lớn hơn 2 tháng), nôn tất cả mọi thứ; ngủ li bì, khó đánh thức; thở có tiếng rít; co giật; có bất kỳ dấu hiệu bệnh nặng nào khác. Các dấu hiệu cần cho trẻ đi khám ngay: sốt cao, khó thở (thở nhanh, thở co lõm lồng ngực). Ngoài ra, khi trẻ ho trên 1 tuần không cải thiện với điều trị thông thường cũng nên cho trẻ đi khám bệnh càng sớm càng tốt.

MINH ANH